Monday 28 February 2011

Dan nhan cho thuc pham cong nghe sinh hoc: Nen hay khong?

Số lượt xem: 95
Gửi lúc 03:47' 05/11/2009

Dán nhãn cho thực phẩm công nghệ sinh học: Nên hay không?

Nên hay không thực hiện việc dán nhãn cho thực phẩm công nghệ sinh học(CNSH)? Làm cách nào để thi hành những quy định về việc dán nhãn? Ý nghĩa của việc dán nhãn các sản phẩm CNSH là gì?

Dán nhãn cho thực phẩm công nghệ sinh học: Nên hay không?

Nên hay không thực hiện việc dán nhãn cho thực phẩm công nghệ sinh học(CNSH)? Làm cách nào để thi hành những quy định về việc dán nhãn? Ý nghĩa của việc dán nhãn các sản phẩm CNSH là gì?

Đó là những nội dung chính đã được Tiến sỹ Paul S.Teng (Đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore) đề cập tới trong buổi hội thảo "Công nghệ sinh học Việt Nam II: Hướng phát triển cho tương lai" diễn ra ngày 21/9 tại TP.HCM.

Dán nhãn hay không dán nhãn?

Mô tả ảnh.
Tiến sỹ Paul S.Teng (Đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore)

Tiến sỹ Paul S.Teng cho biết, những vấn đề mà ông trình bày trong hội thảo nhằm mục đích làm rõ ý nghĩa của việc dán nhãn thực phẩm CNSH. Đồng thời chỉ ra những quy định có thể phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Cũng như chí phí cho việc tiến hành dán nhãn các sản phẩm CNSH, lí do tại sao cần có những quy định cụ thể, chuyên biệt cho việc dán nhãn. Đặc biệt là làm cách nào để thi hành những quy định về việc dán nhãn các sản phẩm CNSH…

Theo tiến sỹ Paul S.Teng, việc dán nhãn cho các sản phẩm biến đổi gen (BĐG) có 3 điểm chính cần lưu ý đó là: Thực phẩm biến đổi BĐG được dán nhãn nhằm cung cấp cho người tiêu dùng sự lựa chọn đối với sản phẩm; việc dán nhãn thực phẩm BĐG không phải vì lí do an toàn (các loại thực phẩm đưa ra thị trường đều phải được phê chuẩn bởi các cơ quan quản lý quốc gia có thẩm quyền sau khi đã tiến hành đánh giá rủi ro); lưu ý thứ ba là việc dán nhãn thực phẩm BĐG là tuân theo các thủ tục của nước nhập khẩu.

Mô tả ảnh.
Ngô biến đổi gen...(Ảnh minh họa)

Lợi thì có lợi…

Nói về những ích lợi của CNSH trong nông nghiệp, tiến sỹ Paul S.Teng khẳng định có rất nhiều ích lợi như: CNSH trong nông nghiệp giúp giảm giá thành thực phẩm đồng thời tăng độ an toàn của thực phẩm bởi những sản phẩm của CNSH sẽ giúp người nông dân tăng năng suất và giảm giá thành của nông sản.

Ngoài ra, các đặc tính như: khả năng kháng bệnh, khả năng chịu được hạn hán của các giống mới có thể giúp giảm thiểu tác hại của thiên tai đến mùa màng nên nguồn cung cấp thực phẩm sẽ ổn định hơn.

Một ích lợi nữa do CNSH trong nông nghiệp mang lại đó là bảo vệ môi trường bởi khi dùng các sản phẩm của CNSH trong sản xuất người nông dân sẽ giảm thiểu việc sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ giúp phần bảo vệ an toàn trong sản xuất cho người dân đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.

Ngoài ích lợi bảo vệ môi trường, CNSH trong nông nghiệp còn giúp bảo vệ sức khỏe của chính người tiêu dùng bởi các sản phẩm có thể được cải tiến giúp cho nông sản có chất lượng tốt hơn.

Mô tả ảnh.
Và đậu nành biến đổi gen sẽ cho năng suất cao...(Ảnh minh họa)

Nhưng thiếu quy chế

Báo cáo về tình hình chung đối với sản phẩm BĐG tại Việt Nam, TS Trần Thị Mỹ Hiền (Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3) đã nêu lên thực tế là trong thời gian qua trung tâm đã kiểm nghiệm và phát hiện một số sản phẩm có nguồn gốc từ thực phẩm có sử dụng công nghệ gen. Tuy nhiên, theo TS Hiền, tất cả các sản phẩm này đều không được dán nhãn hay ghi rõ là sản phẩm sử dụng công nghệ chuyển gen.

Theo TS Hiền, hiện đang có một số hạt giống và sản phẩm BĐG ở nước ngoài du nhập vào Việt Nam theo nhiều đường khác nhau hoặc được trồng mà chưa có sự quản lý, giám sát. Hay quy định về việc dán nhãn các sản phẩm sử dụng công nghệ gen mặc dù đã có quy định nhưng vẫn thiếu văn bản hướng dẫn thực hiện.

Để thực hiện tốt công tác "quản lý an toàn sinh học đối với thực phẩm BĐG" tại VN, theo TS Hiền thì các bộ, ngành cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn trong việc thiết lập hệ thống cấp phép cho thực phẩm BĐG. Đồng thời, tăng cường năng lực các phòng thử nghiệm về mức độ an toàn của các sản phẩm BĐG.

Ngoài ra, cần sớm ban hành quy chế về kiểm soát an toàn sinh học đối với sản phẩm BĐG và các sản phẩm có nguồn gốc từ BĐG trong lưu thông, vận chuyển và xuất nhập khẩu.

Cũng tại buổi báo cáo, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ sinh học Việt Nam cũng có những báo cáo về việc nghiên cứu chuyển gen như: "Phương pháp chuyển gen vào cây trồng" của TS Nguyễn Quốc Bình (Trung tâm Công nghệ Sinh học); "Tiềm năng kinh tế của cây ngô chuyển gen tại ViệtNam" của ThS Hồ Cao Việt (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam) và" Phương pháp dò tìm GMO và khảo sát nhập khẩu GMO tại Việt Nam" của TS Trần Thị Mỹ Hiền (Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3)…

Hội thảo do Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam phối hợp tổ chức. Các hội thảo tương tự sẽ diễn ra tại trường Đại học Cần Thơ (23/9); Hà Nội (24/9).

  • Mai Loan



Bản gốc: Sức khỏe số - Dán nhãn cho thực phẩm công nghệ sinh học: Nên hay không?

No comments:

Post a Comment